Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Nguyễn Đình Chiểu - Thân thế và sự nghiệp của "ngôi sao sáng" trong văn học Việt

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tục gọi là Đồ Chiểu (khi dạy học), tự Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù); là nhà thơ lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19.



Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1 tháng 7 năm 1822), tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Ông xuất thân trong gia đình nhà nho. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên; nay thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Lớn lên, ông cưới vợ ở đây và đã có hai con (một trai và một gái). Mùa hạ, tháng 5 năm Canh Thìn (1820), Tả quân Lê Văn Duyệt được triều đình Huế phái vào làm Tổng trấn Gia Định Thành. Đến đầu mùa thu, Nguyễn Đình Huy đi theo Tả quân, để tiếp tục làm thư lại ở Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn. Ở Gia Định, ông Huy có thêm người vợ thứ là bà Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, sinh ra bảy con (4 trai, 3 gái), và Nguyễn Đình Chiểu chính là con đầu lòng.


Đi học

Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy. Năm lên 6, 7 tuổi, ông theo học với một ông thầy đồ ở làng.

Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất. Năm sau (1833), con nuôi Tả quân là Lê Văn Khôi, vì bất mãn đã làm cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An ở Gia Định, rồi chiếm cả Nam Kỳ. Trong cơn binh biến, cha của Nguyễn Đình Chiểu bỏ trốn ra Huế, nên bị cách hết chức tước. Song vì thương con, cha ông lén trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn đang làm Thái phó ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 11 tuổi (1833) đến 18 tuổi (1840), thì trở về Gia Định.

Năm Quý Mão (1843), ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định lúc 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.

Năm 1847, ông ra Huế học để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Lần này, ông cùng đi với em trai là Nguyễn Đình Tựu (10 tuổi).

Mẹ mất, bị mù lòa

Ngày rằm tháng 11 năm Mậu Thân (31 tháng 12 năm 1848), mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ.

Trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ, vất vả và thời tiết thất thường, nên đến Quảng Nam thì Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng. Trong thời gian nghỉ chữa bệnh ở nhà một thầy thuốc vốn dòng dõi Ngự y, tuy bệnh không hết, nhưng ông cũng đã học được nghề thuốc. Lâm cảnh đui mù, hôn thê bội ước, cửa nhà sa sút... Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851, thì mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi (Gia Định). Truyện thơ Lục Vân Tiên của ông có lẽ được bắt đầu sáng tác vào thời gian này.

Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu cưới Lê Thị Điền (1835-1886, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, trước thuộc Gia Định; nay thuộc tỉnh Long An) làm vợ. Bà Điền là em gái thứ năm của Lê Tăng Quýnh, học trò ông, vì cảm phục và mến thương thầy, đã xin gia đình tác hợp. Truyện thơ Dương Từ-Hà Mậu của ông có lẽ được bắt đầu sáng tác vào thời gian này.

Dạy học, làm thuốc và sáng tác thơ văn yêu nước

Năm 1858, quân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng. Vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân Việt, họ vào Nam đánh phá thành Gia Định vào đầu năm 1859. Sau khi tòa thành này thất thủ (17 tháng 2 năm 1859), Nguyễn Đình Chiểu đưa gia đình về sống ở Thanh Ba (Cần Giuộc), tức quê vợ ông. Vô cùng đau đớn trước thảm cảnh mà quân Pháp đã gây nên cho đồng bào ông, và rất thất vọng về sự hèn yếu, bất lực của triều đình, ông làm bài thơ "Chạy giặc".


Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16 tháng 12 năm 1861), những nghĩa sĩ mà trước đây vốn là nông dân, vì quá căm phẫn kẻ ngoại xâm, đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc, tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt đang làm cộng sự cho Pháp. Khoảng mười lăm nghĩa sĩ bỏ mình. Những tấm gương đó đã gây nên niềm xúc động lớn trong nhân dân. Theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, Nguyễn Đình Chiểu làm bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", để đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận đánh này.

Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ mất về tay Pháp, theo phong trào "tỵ địa", Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời Thanh Ba (Cần Giuộc) về Ba Tri (Bến Tre), vì không thể sống chung với họ. Chia tay với bạn bè thân quen, ông làm bài thơ "Từ biệt cố nhân".

Về Ba Tri, ông tiếp tục dạy học, làm thuốc và đem ngòi bút yêu nước của mình ra phục vụ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Nam Kỳ suốt trong hơn 20 năm, dù đã mù lòa.

Năm 1863, em trai út ông là Nguyễn Đình Huân theo Đốc binh là chống Pháp, hy sinh ở Cần Giuộc.


Tháng 8 năm 1864, thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gò Công là Trương Định bị thương rồi tuẫn tiết ở Ao Dinh; xúc động, Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế và mười hai bài thơ liên hoàn để điếu ông.

Năm 1867, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản và Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông tổ chức đưa di hài nhà giáo Võ Trường Toản từ làng Hòa Hưng (Gia Định) về táng ở Bảo Thạnh (Ba Tri), Nguyễn Đình Chiểu có đến dự lễ rước.

Ngày 4 tháng 8 năm đó (1867), Phan Thanh Giản tuẫn tiết vì không giữ được thành Vĩnh Long, Nguyễn Đình Chiểu có làm hai bài thơ điếu ông. Có thể ông bắt đầu soạn quyển thơ Ngư tiều vấn đáp nho y diễn ca trong năm này.

Năm 1868, thủ lĩnh kháng Pháp ở Ba Tri là Phan Tòng (còn có tên là Phan Ngọc Tòng) hy sinh, ông làm 10 bài thơ điếu.

Năm 1877, Nguyễn Đình Chiểu dời đến ở làng An Bình Đông (sau đổi là An Đức) cách chợ Ba Tri khoảng hai cây số.

Năm 1883, Tỉnh trưởng Bến Tre là Michel Ponchon đã đến nhà để yêu cầu ông nhuận chính quyển thơ Lục Vân Tiên, đồng thời ngỏ ý trao trả lại ruộng vườn của ông mà họ đã chiếm đoạt. Ông khẳng khái nói: "Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì", rồi khước từ mọi hứa hẹn giúp đỡ của chính quyền thực dân. Lại hỏi ý muốn riêng của ông, ông đáp "muốn tế vong hồn nghĩa sĩ Lục tỉnh", và được viên Tỉnh trưởng chấp thuận. Sau đó, ông tổ chức lễ tế tại chợ Ba Tri, và đọc bài "Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh".

Qua đời

Năm 1886, vợ ông là bà Lê Thị Điền mất lúc 51 tuổi. Buồn rầu vì vợ mất, vì cảnh nước mất nhà tan đã bấy lâu, vì bệnh tật ngày càng trầm trọng [14], hai năm sau, ngày 24 tháng 5năm Mậu Tý (3 tháng 7 năm 1888), Nguyễn Đình Chiểu cũng qua đời tại Ba Tri, thọ 66 tuổi. Ngày đưa tiễn nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về cõi vĩnh hằng, cánh đồng An Đức rợp trắng khăn tang của những người mến mộ ông.


Ông được an táng cạnh mộ vợ, nay thuộc ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Để hiểu rõ hơn về ông, xin mời độc giả đón xem kì sau: Nguyễn Đình Chiểu - Những tác phẩm tiêu biểu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét