Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Công trình "4 KHÔNG" tại Mã Pí Lèng, việc đã rồi gây nhiều náo động

Công trình Panorama “bốn không” ở Mã Pí Lèng, Hà Giang mở ra tầm nhìn hiếm có cho các du khách, nhưng câu chuyện về nó cũng đang đặt ra những đòi hỏi về trách nhiệm đến cùng và tầm nhìn xa hơn, rộng hơn của các cơ quan quản lý.

Trong diễn biến mới nhất liên quan, ngày 8/10, UBND tỉnh Hà Giang cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trái phép tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.


Kết quả hình ảnh cho Công trình Panorama

Cho đến nay, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, đây vẫn là công trình “4 không”: Không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).

Nay, báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ký đã nêu rõ, công trình này nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo Điều 36, Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Về hồ sơ công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng. UBND tỉnh Hà Giang xác định trách nhiệm ban đầu thuộc UBND huyện Mèo Vạc trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.

Để xác minh cụ thể vụ việc trên, hiện UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra công trình xây dựng tại khu vực Mã Pì Lèng, yêu cầu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 9/10/2019.

Quan điểm và phương hướng giải quyết vấn đề này của UBND tỉnh Hà Giang là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với các vấn đề xác định ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, UBND tỉnh Hà Giang báo cáo xin ý kiến của Bộ VHTT&DL và mời các chuyên gia đánh giá giúp làm cơ sở để xử lý các vi phạm theo quy định.

Hình ảnh có liên quan

Trước đó, Bộ VHTT&DL cũng đã có thông tin chính thức liên quan đến công trình này. Tương tự như quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang, Cục Di sản văn hóa cũng cho rằng việc xây dựng công trình nói trên không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích, không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, do đó, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và các quy định liên quan.

Tuy nhiên, Điều 36, Luật Di sản văn hóa quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, cho đến trước khi vụ việc trở nên “nóng” trong dư luận, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.

Tại cuộc họp báo sau đó, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình cho biết thêm, theo quan điểm của Bộ, bất cứ công trình nào, nằm trên địa điểm du lịch hay trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nếu xây dựng trái phép thì cũng sẽ phải bị xử lý nghiêm. Cũng trong ngày 8/10, Đoàn công tác của Bộ do Cục Di sản văn hoá chủ trì đã lên Hà Giang thanh, kiểm tra việc xây dựng công trình trên.

“Các di tích, di sản văn hoá cần phải có biện pháp bảo vệ, tránh những nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định. Dù là công trình có tính chất khuyến khích, thúc đẩy du lịch phát triển nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, Bộ không ủng hộ. “Chúng ta phải có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng”, ông Bình nói.

Kết quả hình ảnh cho Công trình Panorama

Như vậy, các cơ quan có liên quan đều đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng về tính chất của vụ việc cũng như hướng xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý cụ thể đối với công trình Panorama này vẫn đang tiếp tục thu hút những ý kiến khác nhau, không chỉ từ khía cạnh pháp lý rằng người dân, doanh nghiệp được làm gì và không được làm gì, mà còn từ khía cạnh kiến tạo phát triển: Cơ quan nhà nước nên và cần phải làm gì để xử lý bài toán khó là hài hoà lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch?

Câu chuyện về công trình Panorama trước hết đặt ra vấn đề về kỷ cương, kỷ luật, về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý xây dựng. Nếu các quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu thì rất khó để “con voi chui lọt lỗ kim” và cơ quan quản lý cũng không phải đau đầu tìm cách xử lý “việc đã rồi” như hiện nay.

Xa hơn, câu chuyện ở Mã Pí Lèng đặt ra vấn đề về tầm nhìn phát triển. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu thông điệp mạnh mẽ về tinh thần “kiến tạo phát triển” và điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa.

Nói riêng ở Mã Pí Lèng, cung đường đèo nổi tiếng này vẫn chưa có điểm dừng chân ngắm cảnh toàn cảnh hẻm vực Tu Sản, Mã Pì Lèng và cuối năm 2018, theo báo cáo của tỉnh Hà Giang, Giáo sư Guy Martini, Tổng Thư ký Ban điều phối Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã khuyến nghị tỉnh Hà Giang xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách tại chính khu vực xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng Panorama nêu trên. Tuy nhiên, một việc có thể nói là không quá khó và cũng không quá lớn như vậy lại chưa được quan tâm đúng mức, với cách làm phù hợp.

Cuối tháng 7 vừa qua, dự một hội nghị về di sản do Bộ VHTT&DL tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, chúng ta phải quán triệt tinh thần “cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Mặt khác, chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích, rằng phải luôn sáng tạo, năng động để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại, di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững.

Rõ ràng, các cấp chính quyền cần hết sức năng động và sáng tạo để giải quyết các bài toán rất cụ thể được cuộc sống đặt ra hằng ngày, hằng giờ.

Hà Chính
Theo Chinhphu.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét