Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Theo dấu chân Tù trưởng bảo vệ tấc đất, tấc rừng Amazon

Những con người sống vốn sống giữa tán cây gặp nhiều trở ngại hơn là lòng tham và súng đạn: những bệnh tật mới với họ, như bệnh lao, đậu mùa hay chỉ đơn giản là cúm thông thường đã khiến 5.000 thành viên bộ lạc tụt xuống dưới 300 người. 

Theo dấu chân tù trưởng Almir Narayamoga Surui, nhóm phóng viên tiến vào vùng đất hoang dại đang bị lòng tham tàn phá nặng nề. Vũ khí của người Surui là sự kiên trì, ảnh vệ tinh do Goolge cung cấp và smartphone.

Ở Amazon, nhóm người bản địa giỏi công nghệ nhất thế giới đang cứu lấy từng tấc rừng, bảo vệ lá phổi xanh cho toàn nhân loại - Ảnh 2.

Dựa theo bài viết của phóng viên gạo cội Dara Kerr được đăng tải trên CNET, với tư liệu được chụp bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng James Martin. Họ cùng nhau ghi lại câu chuyện cứu rừng của ông Almir Narayamoga Surui, một trong bốn tù trưởng của Người Chân Chính, tộc người thiểu số rành công nghệ nhất Trái Đất.

Lơ lửng phía trên bầu trời bang Rondônia thuộc Brazil, bạn sẽ thấy những tán cây xanh đen, chằng chịt vắt ngang những dải đất trống nhiều hình thù, đặt hỗn độn trên mặt đất. Một đường nước ngoằn ngoèo, tỏa nhánh kéo ngang chiều dài lục địa, bằng cách nào đó vẫn tìm được đường đi xuyên qua khoảng rừng rậm rạp và hoang dại.

Không mấy ai sẵn sàng xách balo lên và đi tới Rondônia, vậy mà tôi đang ngồi đây với nhiếp ảnh gia James Martin, trên một chiếc máy bay hướng tới một tiền đồn nhỏ đặt giữa khu vực biệt lập và nguy hiểm nhất thế giới. Chúng tôi đáp xuống một đường băng ngắn nằm len lỏi giữa đồng cỏ cao, với chiều dài chẳng hơn một khu phố nhỏ là mấy.

Bước khỏi máy bay, tôi diện kiến Almir Narayamoga Surui, tù trưởng của một trong 4 thị tộc thuộc bộ lạc Paiter-Surui - theo phương ngữ nghĩa là “Những Người Chân Chính, ấy là chúng tôi - the True People, we ourselves”. Có lẽ người Surui là nhóm người bản địa rành về công nghệ nhất, và ông Almir chắc hẳn là tù trưởng hiểu biết về thời đại mới nhất mà bạn có thể gặp.

Chính ông là người đầu tiên cộng tác với Google Earth, sử dụng ảnh vệ tinh của họ để theo dõi hoạt động phá rừng trái phép trong khu vực, bên cạnh đó tạo nên hệ thống bản đồ thông tin địa lý khu vực (GIS) để theo dõi sát sao các điểm nóng. Tù trưởng Almir còn ứng dụng dữ liệu smartphone trong kiểm soát việc săn bắn của các bộ lạc địa phương, đảm bảo rằng thợ săn không bắt về nhiều hơn số lương thực mà họ cần.

Những số liệu khô khan lại đóng một vai trò tối quan trọng trong việc sinh tồn của người dân bản địa cũng như chính khoảnh rừng mà họ đang gọi là nhà. Việc “chuyển đổi số” tới hồi năm 1969, khi bộ lạc Surui lần đầu tiên tiếp cận với thế giới văn minh, cũng là lúc việc phá rừng, dựng trang trại chăn nuôi gặp phải sự chống cự tỏa ra những tán cây cao.

Những con người sống vốn sống giữa tán cây gặp nhiều trở ngại hơn là lòng tham và súng đạn: những bệnh tật mới với họ, như bệnh lao, đậu mùa hay chỉ đơn giản là cúm thông thường đã khiến 5.000 thành viên bộ lạc tụt xuống dưới 300 người.

Dù họ đã sống tại Amazon trước cả khi vùng rừng nhiệt đới này trở thành một phần của Brazil, chính quyền sở tại không chính thức công nhận lãnh thổ của người Surui cho tới năm 1983. Đến cả vùng đất của người Surui cũng bị người ngoài đặt cho một cái tên khác, Mùng Bảy tháng Chín, theo mốc thời gian lần đầu tiên người Surui tiếp xúc với thế lực tàn phá tới từ bên ngoài.

Mùng Bảy tháng Chín rộng 2.500 km vuông, là một trong số vùng cây rậm rạp còn sót lại trong khu vực. Thập niên 80, rừng cây ở khu vực này bị thiêu rụi với tốc độ ngạt mùi khói, lượng rừng biến mất mỗi năm là 4.200 km2 vào năm 1978, 30.000 km2 vào năm 1988, 53.300 km2 vào năm 1998.

Ngày nay, tính trên toàn Amazon, Rondônia là bang có tốc độ mất rừng nhanh nhất. Đám cháy lớn đầu mùa khô năm nay, sự kiện vẫn đang thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên thế giới, lại càng làm tình hình thêm xấu đi.

Mục đích của tù trưởng Almir không đổi suốt bao thập kỷ nay: giữ cho toàn bộ Mùng Bảy tháng Chín được vẹn toàn. Nhưng có những thế lực ngầm khác không muốn ông thành công.

Almir lên chức tù trưởng năm 1992, khi ông mới 18 tuổi. Người ông chắc nịch, to ngang; ông mang một khuôn mặt đậm chất Surui: đôi mắt nâu ấm áp đặt phía trên vành mũi rộng, tù trưởng có một bộ tóc đen dày, được chải gọn gàng, phủ lên cái đầu đầy lo lắng. Ông thường vận bộ cánh trẻ trung của áo phông và quần jean, trên cổ đeo một chuỗi vòng hạt truyền thống. Ông nói rằng sẽ dẫn tôi vào vùng Mùng Bảy tháng Chín để tận mắt chứng kiến người dân Surui đang phải chống lại những gì.

Công việc cao cả của ông Almir không đơn giản là bảo vệ vùng đất rừng quý giá hay giữ Rondônia khỏi con mắt dòm ngó của lòng tham, ông còn đang ra tay cứu cả nhân loại. Sự sống trên Trái Đất phụ thuộc ít nhiều vào rừng Amazon - rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới sản sinh ra tới 20% lượng oxy ta đang có, hút vào tới 2,2 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm. Một phép so sánh nhỏ: rừng Amazon đang hút vào lượng khí thải của 430 triệu xe thải ra suốt 365 ngày.



Rừng Amazon còn mang trách nhiệm điều hòa khí hậu Trái Đất. Theo nghiên của của các nhà khoa học tại Đại học Virginia, nếu như rừng nhiệt đới biến mất, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng vọt, mưa trên Trái Đất sẽ diễn biến theo chiều hướng khó lường. Khi hạn hán trên diện rộng diễn ra, hậu quả sẽ trải dài từ nông nghiệp cho tới nước uống.

“Mối đe dọa đang gần hơn bao giờ hết”, đó là lời cảnh báo của Brian Hettler, giám đốc mảng công nghệ mới của Đội ngũ Bảo tồn Amazon - tổ chức phi lợi nhuận chuyên tâm vào bảo vệ rừng nhiệt đới và các nền văn hóa bản địa.

Tù trưởng Almir, nhiếp ảnh gia Martin và tôi khởi hành từ Cacoal trên chiếc xe địa hình Mitsubishi, với cửa sổ kính mờ để không ai từ bên ngoài nhìn được vào trong xe. Tại khu vực này, xe của ai cũng vậy. Chúng tôi tiến về phía Đông trên một con đường cao tốc hẹp, rồi bẻ lái rẽ vào một con đường đất, hướng lên phía Bắc.


Suốt nhiều cây số, đôi mắt chúng tôi rồi cũng quen với cảnh tượng những trang trại khô héo bao quanh bởi rào chắn; thỉnh thoảng ánh mắt tôi bắt gặp cây chuối, cây xoài hay cây cọ rủ bóng ven đường. Bên trong rào trang trại, những con bò gầy trơ xương đang tụ tập bên những hố nước nâu màu bùn. Thỉnh thoảng, cảnh tượng bụi bặm được tô điểm bởi những lán bê tông sơn màu sáng bán hàng tạp hóa ven đường.



Mất gần một giờ di chuyển, chúng tôi mới đi hết đoạn đường đất gập ghềnh. Ở đằng xa, một khối tối màu lừng lững trải ngang đường chân trời. Tới gần, tôi choáng ngợp bởi một bức tường rừng cao tới gần 60 mét. Những đoạn dây leo lớn quấn chằng chịt trên thân cây gỗ lớn, cố vươn lên thật cao để chạm được ánh sáng Mặt Trời nơi ngọn cây.


“Đây là rìa lãnh thổ”, tù trưởng Almir vừa nói, vừa dùng ngón tay vẽ nên một đường ranh giới vô hình.

Bước vào khu vực Mùng Bảy tháng Chín, không khí khô trở nên ẩm và dễ chịu hơn nhiều. Chúng tôi bỏ con đường gập ghềnh bụi lại đằng sau để tiến vào thế giới tự nhiên. Cuốc bộ khoảng 3km, chúng tôi tới một khu đất rộng được bao phủ bởi cây quýt, chuối, cà phê và cacao; hàng cây lớn bọc lấy ngôi làng ở giữa, âu yếm ôm lấy mái ấm của 75 người bản địa. Nơi đây có điện, có nước sạch, có cả trung tâm y tế và trường học như bao ngôi làng khác. Nhưng khối kiến trúc thu hút ánh mắt của bất kỳ ai đặt chân tới đây phải là cột Wi-Fi cao tương đương tòa nhà 12 tầng, là cầu nối người dân nơi đây với thế giới bề bộn ngoài kia.

Tù trưởng Almir giới thiệu tôi với Rone Mopidmore Surui, người theo dõi sát sao hoạt động săn bắn trong khu vực Mùng Bảy tháng Chín. Người Surui vẫn sử dụng cung tên để săn thú, bên cạnh đó sử dụng smartphone để theo dõi số lượng và loài thú họ bắn hạ; họ chủ yếu săn lợn hoang, tatu, chim và khỉ rừng. Để đảm bảo lượng thú rừng cân bằng, họ đã áp dụng cách thức kiểm soát hoạt động săn bắn này từ hồi 2010.



“Nếu không săn bớt thú rừng, chúng sẽ sớm trở thành động vật gây hại. Chúng ăn hết cả quả của người dân”, ông Rone nói. “Quan trọng là phải đảm bảo săn vừa đủ và cũng không quá ít để kiểm soát chặt chẽ số lượng loài trong khu vực”.

Đều đặn mỗi tháng, Rone và 20 người khác tiến hành khảo sát từng thợ săn trong bộ lạc. Họ thu thập dữ liệu về độ tuổi con mồi, giới tính và cân nặng của chúng, bên cạnh đó là cách thợ săn bắn hạ con vật. Họ cần biết mục đích của thợ săn là gì, để kiếm thực phẩm, thuốc men hay đồ thủ công mỹ nghệ. Đội khảo sát đưa toàn bộ dữ liệu có được vào ứng dụng di động, để tổng hợp thành bức tranh toàn cảnh của đời sống hoang dã trong khu vực Mùng Bảy tháng Chín.

Đêm xuống, Almir cùng Rone ngồi lại trò chuyện với một số người trong làng. Một tay đập muỗi, một tay cầm smartphone, họ ngồi kể chuyện cho nhau nghe bằng tiếng bản địa Tupi-Monde, ở góc gần, một cậu bé Surui đang xem video về Batman trên YouTube.



Tôi hỏi ngay: “Ta có thể tới đó không?”. Ông gạt đi: “Anh chỉ có thể xem ảnh thôi. Đến đó nguy hiểm lắm”. Nhưng ông cũng nói thêm về một buổi đi tuần sắp diễn ra trong vài ngày tới, nhóm tuần tra sẽ tiếp cận khu vực lân cận mỏ vàng trái phép vào ban đêm.



Năm nay tù trưởng 44 tuổi, ông dành phần lớn thời gian, từ ngày trẻ tuổi sung sức tới thời điểm hiện tại, để kêu gọi chính phủ Brazil cũng như các tổ chức quốc tế hãy tập trung giải quyết nạn phá rừng đang ngày một nan giải. Năm 2011, ông đã có dịp diện kiến cựu Tổng thống Bill Clinton; ông còn là cái tên thân thuộc với những người có vai vế như cựu Phó Tổng thống Al Gore, Charles - hoàng tử xứ Wales, nhà linh trưởng học và nhân loại học Jane Goodall, ... Ông là người Surui đầu tiên được học Đại học, và nỗ lực học hành đã mang về cho ông tấm bằng cử nhân ngành sinh học tại Đại học Liên bang Goiás.


Năm 2003, khi vẫn đang tìm hiểu về thế giới rộng lớn của Internet, ông Almir biết tới sự kỳ diệu của Google Earth. Almir ngay lập tức “tìm đường về quê”, mở bản đồ vệ tinh khu vực Rondônia và zoom tới khu vực Mùng Bảy tháng Chín. Almir đứng hình trước những gì hiện lên trước mắt ông: khu vực sinh sống nhỏ bé của người Surui bị bao vây bởi nạn phá rừng. 

Bốn năm sau, ông cất công tới gặp Rebecca Moore, trưởng dự án Google Earth đang công tác tại khu vực Mountain View, California. Tù trưởng Almir không tới đây để tìm kiếm sự giúp đỡ, ông đưa ra một đề nghị mà Google khó có thể khước từ.


“Ông tới để đặt đề nghị hợp tác. Ông đã nói rằng ‘các anh có công nghệ hiện đại, còn chúng tôi hiểu rõ về khu rừng địa phương”, bà Moore nhớ lại. Ông Almir nói rằng Google Earth sở hữu rất nhiều thông tin về địa lý thành phố lớn, nhưng chẳng có chút thông tin nào về người thiểu số đang ẩn mình trong rừng sâu.

“Những gì ông ấy đã nhắc tới không chỉ đúng với người Surui. Đây là vấn đề chung của mọi tộc người bản địa tại khu vực Amazon”, bà Moore nói.



Mọi chuyện đã khác xưa, ông Almir nhận hình ảnh vệ tinh mới của khu vực Mùng Bảy tháng Chín hàng tháng, và đội ngũ Google Earth đã hướng dẫn tận tình cách sử dụng công cụ đo đạc bản đồ. Các chuyên gia công nghệ còn làm được nhiều hơn thế: họ thêm vào bản đồ khu vực những thông tin về văn hóa, lịch sử người Surui, người dùng có thể zoom vào để nhìn tận mắt cây cối, thú hoang trong khu vực.

Bộ lạc Surui chỉ là sự khởi đầu. Hiện tại, Google Earth đã đang cộng tác với 57 bộ lạc trên khắp Amazon cùng với hàng chục cộng đồng người thiểu số trên toàn thế giới. Toàn bộ 472 lãnh thổ của người bản địa trên đất Brazil đều đã được “lên sóng”.

Những nỗ lực cứu rừng của tù trưởng Almir đã đưa ông vào tầm ngắm của lâm tặc. Tâm 2007, những kẻ phá rừng bất lương ra giá 100.000 USD cho mạng sống của ông Almir, áp lực lên chính sự sống còn của người đại diện cho tộc Surui đã khiến ông phải rời vùng đất quê hương suốt nhiều tháng. Năm 2011, bổn cũ soạn lại, một lần nữa ông phải rời quê hương đi lánh nạn. Đến chừng nào tù trưởng Almir còn lên tiếng bảo vệ rừng cây và văn hóa dân tộc, mạng sống của ông còn bị đe dọa.

“Đây là thời điểm khó khăn cho vô số những nền văn hóa trong khu vực Amazon”, bà Moore nói. “Những con người này bảo vệ rừng nhiệt đới, bảo vệ lá phổi Trái Đất cho tất cả chúng ta. Vậy nên ai cũng phải có trách nhiệm giúp họ bảo vệ lấy rừng, bảo tồn nền văn hóa của người thiểu số”.




Khu vực Mùng Bảy tháng Chín có tổng cộng 27 làng mạc, đa số chúng nằm co cụm lại tại rìa Đông Nam lãnh thổ Rondônia. Chúng tôi sẽ tiến hành đi tuần ở khu vực cách Lapetanha - làng trung tâm của người Surui khoảng 150km. Khu vực hẻo lánh này không người sinh sống, chỉ có rừng và một con đường độc đạo dẫn sâu vào nguy hiểm.

Để tới được đó, chúng tôi khởi hành từ đường quốc lộ 364 của Brazil - con đường chạy dọc miền Nam sống Amazon, tính từ biên giới Peru tới bờ biển São Paulo. Con đường liên quốc gia này được khởi công vào năm 1961, là một phần của kế hoạch phát triển kinh tế lưu vực sông Amazon.

Đến năm 1980, nửa triệu người đã di cư tới khu vực này. Nhưng đi cùng với con người là nạn phá rừng bừa bãi, dưới danh nghĩa “chế ngự tự nhiên để tồn tại”. Mất rừng, mất đất, người dân bản địa phải rút dần vào rừng sâu.

Trước khi quốc lộ 364 xuất hiện, gần như toàn bộ khu vực Rondônia và Mato Grosso được phủ rừng mưa nhiệt đới và theo khảo sát của Liên Hợp Quốc lúc bấy giờ, gần như toàn bộ khu vực này là nhà ở của các nhóm người bản địa.

Có thể bạn biết tới khu vực này trong câu chuyện của năm 1914, khi cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt - chính trị gia kiêm nhà văn, nhà tự nhiên học đã cùng nhà thám hiểm nổi tiếng người Brazil, Cândido Mariano da Silva Rondon khám phá rừng Amazon. Nhóm người dũng cảm dấn thân vào một trong những chuyến hành trình nguy hiểm nhất Trái Đất; vùng đất chưa được khai phá nổi tiếng với trăn khổng lồ, lươn điện, cá ăn thịt piranha và loài vật nguy hiểm nhất thế giới - muỗi. Tổng thống Roosevelt đã suýt bỏ mạng nơi đây vì nhiễm trùng.

Tù trưởng Almir dẫn chúng tôi rời đường cái, di chuyển trên một con đường hẹp đi qua Ministro Andreazza, một thị trấn nhỏ với dân số chỉ 11.000 người. Nơi đây là một tiền đồn bụi bặm được tô điểm bởi quầy đồ ăn vặt, cửa hàng tiện lợi và các tiệm sửa xe. Rìa thị trấn là nơi đặt các nhà máy xử lý gỗ, những khối gỗ lớn liên tục được chuyển về đây, từ từ được biến thành những ván gỗ lớn.

“Thị trấn này là nơi ở của những người phá rừng”, tù trưởng Almir nói. “Chúng tôi đã nhiều lần phải tranh chấp đất đai với những người nơi đây”.

Người dân Ministro Andreazza vẫn lẻn vào khu vực Mùng Bảy tháng Chín để săn bắn, câu trộm và chủ yếu để chặt cây. Mục tiêu của họ là cây hạch Brazil, một loài cây mọc thẳng đứng một cách cận hoàn hảo và có thể cao tới 60 mét. Lâm tặc chặt cây lấy gỗ nhiều tới mức hạch Brazil đã là loài thực vật bị đe dọa, luật pháp Brazil cấm người ta khai thác loại gỗ này. Thế nhưng những con chữ trên giấy không ngăn được lòng tham của kẻ đứng ngoài vòng luật pháp.

“Hầu như chẳng có cảnh sát trong khu vực này”, tù trưởng Almir nói.

“Tĩnh mạng ông gặp nguy hiểm mỗi khi đi qua khu vực này đó nhỉ?”, tôi hỏi.

Tù trưởng im lặng, gật đầu đồng ý và tiếp tục cho xe chạy về phía trước.



Con đường chạy qua Ministro Andreazza nhanh chóng mờ mịt bụi, bốn bánh chiếc Mitsubishi đã phải chạy trên đường đất suốt vài kilomet qua. Hai bên đường, trang trại chăn nuôi trải dọc sườn đồi, bò trắng thong dong gặm cỏ trong bóng râm. Trong yên bình là vậy, nhưng chúng tôi đang đi trên vùng đất với lịch sử đen tối: đa số đất khu vực này đổi chủ bởi bạo lực và đổ máu.


Mùng Bảy tháng Chín vẫn đối mặt với nạn lâm tặc từ bao đời nay, sự thể càng tệ hơn khi 5 năm trước, người ta phát hiện ra mỏ vàng và kim cương trong khu vực. Một số người của tộc Surui còn tiếp tay cho người ngoài, chỉ ra chính xác địa điểm những mỏ khoáng sản trong khu vực.

Hình ảnh vệ tinh do Google Earth gửi về hàng tháng chỉ giúp người Surui biết được rừng đã bị tổn hại ở đâu chứ không thể giúp được họ đối phó với tình hình cấp bách. Có một hệ thống khác làm những việc đó, là Google Earth Engine.



“Những gì họ cần trong cách tình huống như vậy là một hệ thống cảnh báo gần thời gian thực có thể gửi về hình ảnh tại chỗ, dữ liệu mới và phát hiện được xem khu vực rừng nào có thay đổi”, bà Moore nói.

Đây là cách Google Earth Engine hoạt động: Google cộng tác với những tổ chức theo dõi rừng nhiệt đới, đơn cử như tổ chức phi lợi nhuận Imazon hay Global Forest Watch, cung cấp cho họ sức mạnh tính toán để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Hệ thống Google Earth Engine nhanh chóng phát hiện ra khu vực rừng bị xâm lấn bởi thế lực bên ngoài, rồi các tổ chức liên kết sẽ ngay lập tức cảnh báo cho người dân địa phương.


Có nhiều lý do khiến người ta phá rừng. Việc tàn phá Amazon khởi nguồn từ khi người ta dựng đồn điền cao su và khai thác khoáng sản hồi năm 1900, rồi chuyển sang du canh du cư, đốt rừng làm rẫy hồi thập niên 78-80. Hiện tại, phần lớn cây rừng bị chặt bỏ để lấy đất chăn nuôi, trồng đậu và bông.


Rondônia là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Tính tới năm 2010, 42% diện tích rừng mưa nhiệt đới địa phương đã biến mất, và con số đáng lo ngại chưa dừng tại đó. Thông số do Imazon cung cấp cho thấy tỷ lệ rừng bị chặt phá trong tháng Bảy năm 2018 cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Lượng rừng còn lại quá ít ỏi, lâm tặc chẳng ngần ngại xâm lược khu vực sinh sống của người bản địa để tìm kiếm của cải. Họ tấn công cả rừng, cả người dân đang sinh sống dựa vào những tán cây già cỗi.

“Không có đất, không có rừng, văn hóa bản địa sẽ không thể được như xưa nữa”, giám đốc Hettler nói. “Người dân địa phương và rừng có một mối liên kết không thể tách rời”.


Năm 2016, tù trưởng Almir gửi đi lá thư cầu cứu người dân toàn thế giới.

"Tính từ đầu năm nay, chúng tôi đã bị xâm lược bởi lâm tặc, dân đãi vàng và dân đào kim cương, Mỗi ngày, phải tới 300 xe tải chở đầy gỗ rời khu vực chúng tôi sinh sống". Trong lá thư gửi tới thế giới bên ngoài, tù trưởng Almir còn nói về việc nước trong 3 con sông chảy qua khu vực mỏ đã nhiễm thủy ngân và xyanua.




Sau 4 tiếng di chuyển trên đường đất, băng qua một loạt xe tải chở chỗ, chúng tôi cũng đến cuối con đường. Không còn đường tiến về phía trước nữa, chỉ còn một đồng cỏ rộng đầy dấu chân người giẫm đạp, một hình chữ thập tạo thành từ hai cành cây khô bắt chéo nhau ra dấu cho chúng tôi rằng không còn đường đi nữa. Tù trưởng Almir đạp ga kéo chiếc Mitsubishi lên một con đồi nhỏ, tiến vào rừng sâu, ông đỗ xe đủ xa để tán cây rậm rạp che được chiếc xe lớn.

Chúng tôi xuống đi bộ. Trời lúc này đã tối, không khí nóng bức ngột ngạt chen chúc âm thanh ồn ào chào đón ba người chúng tôi.



Rừng Amazon không phải nơi người ta tìm tới để tĩnh tâm giữa thiên nhiên kỳ vĩ. Khu rừng như một thực thể sống, liên tục di chuyển, hoán đổi và vươn lên bằng sức sống vĩ đại. Cành mục, quả cây rơi xuống liên tục tạo nên âm thanh của một cơn mưa lớn. Động vật trong rừng không con nào chịu nằm yên, mỗi loài góp một tiếng kêu riêng, tạo nên một dàn đồng ca rợn tóc gáy, không gian tràn ngập những âm thanh chưa được - và cũng không muốn - con người chế ngự.

Ba người chúng tôi cũng đã đến được chỗ cắm trại của nhóm tuần tra, đội ngũ 28 chiến sĩ bảo vệ rừng đã treo võng nghỉ ngơi tại đây từ lâu, súng của họ gối đầu vào cây cách đó không xa. Từ màn đêm rậm rạp, một người vén cây tìm tới chỗ chúng tôi từ một chỗ cắm trại không xa, mang tới một con chim lông xám mà cung tên trên vai anh vừa bắn hạ. Sự hiện diện của con chim thay cho câu thông báo bữa tối đã điểm.



Sáng hôm sau, chúng tôi tiến hành đi tuần trên chiếc bán tải của tù trưởng Almir, đi cùng chúng tôi là ba người Surui được trang bị vũ khí. Con đường mòn xe đi bị phủ kín bởi cỏ cao đến vai người, thỉnh thoảng, một chiến sĩ Surui phải nhảy khỏi xe để phát cỏ mở đường. Đã có lúc, chúng tôi như bò trên đường, len lỏi chậm chạp trên con đường nhỏ.

“Đây là đường đi của lâm tặc đó”, tù trưởng nói, tiếp tục đưa xe tiến về phía trước.

Mất một tiếng di chuyển, chúng tôi tới một bãi đất trống, với những gốc cây bị chặt rải rác đó đây. Dường như đây là một khu cắm trại của ai đó.

“Vị trí này là chỗ nghỉ của bọn xâm lược, không phải người bản xứ”, ông Almir nói.

Cuối cùng chúng tôi cũng tới được Rio Branco, một trong những con sông chính chảy ngang qua khu vực Mùng Bảy tháng Chín. Những phiến đá núi lửa lớn, bề mặt phẳng phiu nằm dọc bờ sông nâu màu nước, đủ chỗ để một người đứng thoải mái trên đó. Tù trưởng Almir dẫn đầu đoàn tuần tra, nhảy lên từng phiến đá để di chuyển dọc bờ sông, cố gắng phát hiện ra dấu vết của hoạt động trái phép trong khu vực. Họ tìm thấy một vỏ lon bia bị vứt lại, đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy đã có lâm tặc đi qua nơi đây, bởi lẽ chính phủ cấm lưu hành đồ uống có cồn tại địa phương.

Ông Almir nói rằng họ càng thu thập được nhiều bằng chứng về hoạt động phá rừng trái phép, chính quyền sẽ càng khó có thể làm ngơ. Đó là lý do người Surui học cách sử dụng công cụ công nghệ cao, họ muốn có đủ bằng chứng để tạo dựng được một vụ kiện hoàn chỉnh.

Bộ lạc Surui sở hữu một văn phòng tại Cacoal, tại đây họ có thể gặp mặt và học cách sử dụng máy tính. Một nhóm nhỏ nhận trách nhiệm đưa dữ liệu nhận về từ Google Earth và tổng hợp bằng chứng có được từ các buổi đi tuần vào các bản đồ GIS khác nhau. Rồi họ sử dụng những bản đồ đánh dấu hoạt động khai thác rừng trái phép cho các tổ chức quốc tế về môi trường và con người.

Mất 5 năm dài để người Surui có được bản đồ này: họ đã phải đi từng mét vuông của Mùng Bảy tháng Chín, đánh dấu mọi vị trí rừng bị phá, từng nhánh sông có dấu chân người xâm phạm, từng địa điểm cắm trại và mỏ trái phép.

“Chúng tôi chưa bao giờ sở hữu một bản đồ chứa đựng từng ấy thông tin, có thể dùng công nghệ hiện đại để cập nhật từng ngày”, tù trưởng Almir nói. “Đây đã trở thành công việc cần làm hàng ngày. Nếu không giải quyết những mối nguy tới rừng này, chúng sẽ lớn dần lên thành những vấn đề nghiêm trọng”.



Trên đường về Cacoal, thật khó để tưởng tượng ra rừng rậm một thời phủ lên những đồn điền khô cằn. Tù trưởng Almir hướng ngón tay tới một cây cao đứng một mình giữa đồng, với thân thẳng đứng một cách kỳ diệu, như một mũi tên chỉ thẳng lên trời cao.

“Đó chính là cây hạch Brazil. Nó là ‘người bản địa’ duy nhất còn tồn tại nơi đây”. Ông ước tính cây hạch này đã được 80 năm tuổi. Trên thực tế, hạch Brazil thọ được tới 800 tuổi, đáng buồn là cái cây đơn độc này có thể sống lâu được đến thế.


Dù công việc của Almir chỉ là cố giữ lấy Mùng Bảy tháng chín, ông vẫn hiểu rõ tầm quan trọng của toàn bộ hệ sinh thái Amazon với toàn nhân loại. Ông mong muốn việc người Surui ứng dụng công nghệ vào việc bảo vệ rừng sẽ là tấm gương để mọi tộc người thiểu số khác noi theo. Người Surui bản địa cũng không dừng lại tại đó, tại việc đánh dấu đỏ lên bản đồ mỗi khi có kẻ đến phá rừng, họ còn cố gắng trồng cây để bù lại những cây gỗ im lìm bất lực khi bị xé khỏi rừng già.

Dự án 50 năm trồng cây, khởi động từ năm 1997, đã chứng kiến 700.000 cây mới được trồng; người Surui trám vào những vùng Mùng Bảy tháng Chín bị chặt phá những cây gụ, cacao, cọ açaí, cây Copaiba và hạch Brazil. Mục đích của họ là trồng được 1 triệu cây cho vùng đất đang bị tàn phá.



Rừng không phải thứ duy nhất tái sinh dưới bàn tay chăm sóc của người Surui, những người bản xứ cũng đã dần lấy lại số lượng xưa kia. Ngày nay, bộ lạc Surui có khoảng 1.400 thành viên, tăng nhiều từ thời điểm mùng Bảy tháng Chín xưa kia.

Tôi mạn phép hỏi tù trưởng Almir liệu việc gặp gỡ “người ngoài” xưa kia có phải là một điều tốt? Ông trả lời:

- Mọi thứ đều có tác động tới nhau. Chẳng có thứ gì tồn tại mà không ảnh hưởng được đến ai cả.

Ông trầm ngâm một chút, rồi nói tiếp:

- Việc gặp gỡ các anh ngày xưa là tốt. Chúng tôi vẫn chưa biến mất đó thôi.

Tù trưởng tin rằng nếu không có ngày định mệnh ấy, người Surui sẽ bị tuyệt diệt bởi lòng tham của người ngoài, khi họ liên tục mang bạo lực tới tàn phá khu vực rừng. Giờ họ đã có khu vực sinh sống riêng, sở hữu những công nghệ hiện đại để bảo tồn những giá trị của rừng già, giữ lấy cho con cháu đời sau một tương lai sáng.

Theo Dink thiết kế Tom / Tri Thức Trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét