Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Chuyện Vua Trần Thái Tông bị ép "đoạt con cướp vợ của anh" là có thật?

“Thái Tông mạo nhận con của anh làm con của mình. Sau này Dụ Tông và Hiến Từ đều cho Nhật Lễ làm con của Cung Túc Vương, đến nỗi cơ nghiệp nhà Trần suýt nữa bị sụp đỗ, há chẳng phải là không có ngọn nguồn của nó sau?” - Ngô Sĩ Liên.



Trần Thái Tông (9/7/1218 – 5/5/1277), là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi từ năm 1225 tới năm 1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời.

Trần Cảnh sinh ra vào thời Lý, quê ở làng Tức Mặc (Thiên Trường). Lên 7 tuổi, ông được chú là Trần Thủ Độ tiến cử làm Chi hậu chính chi ứng cục, hầu hạ cho nữ hoàng nhỏ tuổi Lý Chiêu Hoàng. Năm 1225, Trần Thủ Độ buộc Chiêu Hoàng cưới và nhường ngôi cho Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông. Thái Tông phong Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh hoàng hậu.

12 năm sau, Thủ Độ ép Thái Tông phế Chiêu Thánh vì không sinh được người kế vị, và lập chị Chiêu Thánh là Thuận Thiên lên thay. Thuận Thiên vốn là vợ của anh Thái Tông là Trần Liễu, và khi ấy đang có thai với Trần Liễu 3 tháng. Việc này đã khiến Trần Liễu làm loạn ở sông Cái, nhưng cuối cùng bị thất thế và được Thái Tông tha chết.

Cùng với cha - thượng hoàng Trần Thừa và chú - thái sư Trần Thủ Độ, Thái Tông đã tiến hành cải tổ luật pháp, hành chính, đồng thời khuyến khích nông, thương nghiệp và phát triển nền giáo dục Tam giáo đồng nguyên. Ông cũng xây dựng quân đội mạnh và ngăn chặn quân Chiêm Thành cướp phá mạn nam. Trong thời gian đó, trên hướng bắc Đại Việt, dân tộc Mông Cổ đã trỗi dậy thành một đế quốc quân sự lớn. 

Năm 1258, tướng Mông Cổ Uriyangqatai đem quân tấn công Đại Việt. Trần Thái Tông trực tiếp lãnh đạo kháng chiến và cuối cùng đã đánh bại người Mông Cổ. Ông còn là một thiền sư Phật giáo, đã truyền dạy kinh nghiệm tu hành của mình qua các tác phẩm Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Chú giải Kinh Kim cương Tam muội và Lục thời sám hối khoa nghi. Ông được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm – giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam – vào cuối thế kỷ 13.

Phế - lập Hoàng hậu

Mùa xuân năm 1226, sau khi được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, Trần Thái Tông đã phong Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh hoàng hậu. Chiêu Thánh có thai sinh ra một hoàng tử cho Thái Tông vào năm 1233, đặt tên là Trần Trịnh (陳鄭), nhưng không may lại chết yểu ngay khi sinh.[16] Thái sư Trần Thủ Độ cùng vợ là Thiên Cực công chúa bèn tính chuyện lập một người khác làm hoàng hậu, để đảm bảo có con nối dõi cho Thái Tông.

Khoảng năm 1236 - 1237, thấy Thuận Thiên công chúa (chị của Chiêu Thánh và cũng là vợ Hoài vương Trần Liễu - anh Thái Tông) đang mang thai Trần Quốc Khang 3 tháng, Trần Thủ Độ ép nhà vua phế Chiêu Thánh xuống làm công chúa, rồi lấy Thuận Thiên làm hoàng hậu mới. Trần Liễu không chịu mất vợ, bèn tập hợp binh lực nổi dậy trên sông Cái. 

Điều này làm cho Thái Tông khó xử, và vào một đêm ông bí mật rời Thăng Long lên núi Yên Tử, xin tu theo thiền sư Đạo Viên. Khi thiền sư hỏi ông có nhu cầu gì mà lên núi, nhà vua bày tỏ: "Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thạnh suy không thường, cho nên Trẫm đến núi này chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác". 
Sư Đạo Viên trả lời: "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là Chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài."

Sau đó, Trần Thủ Độ đưa các quan lên núi Yên Tử năn nỉ Thái Tông trở lại kinh đô. Sư Đạo Viên cũng khuyên rằng: "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng."

Nghe lời sư Đạo Viên và Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông cùng bách quan trở về kinh đô, tiếp tục trị nước. Hai tuần sau, Trần Liễu nhận thấy quân mình yếu thế và không thể chống lại triều đình. Trần Liễu chờ lúc Thái Tông đi thuyền qua sông Cái, rồi Liễu cải trang làm người đánh cá, đi thuyền độc mộc đến chỗ thuyền ngự để đầu hàng. Trần Thủ Độ rút gương toan chém Trần Liễu, nhưng Thái Tông lấy thân mình bảo vệ cho Trần Liễu, rồi khuyên Trần Thủ Độ thu quân. Nhà vua còn cấp cho Trần Liễu đất thái ấp ở Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang (nay thuộc Quảng Ninh), ngoài ra tặng Liễu tước Yên Sinh vương (安生王). 

Các sử gia như Ngô Sĩ Liên và Phan Phu Tiên đã chỉ trích Thái Tông là "cướp vợ của anh" và quy cho ông là đặt tiền đề cho các hành vi trái "tam cương ngũ thường" của vua tôi triều Trần.
“Thái Tông mạo nhận con của anh làm con của mình. Sau này Dụ Tông và Hiến Từ đều cho Nhật Lễ làm con của Cung Túc Vương, đến nỗi cơ nghiệp nhà Trần suýt nữa bị sụp đỗ, há chẳng phải là không có ngọn nguồn của nó sau?” - Ngô Sĩ Liên.
Theo Wikipedia 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét