Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Ỷ Lan Nguyên Phi - Thảm án Hoàng hậu và 72 cung nữ: Cuộc nội đấu cung đình hay hi sinh vì lợi ích Đất nước

Xuất phát điểm từ một cô gái hái dâu chăn tằm, Nguyên Phi Ỷ Lan đã để lại huyền thoại trong lòng phụ nữ Việt từ xưa đến nay. 


Nguyên Phi Ỷ Lan xuất phát điểm từ cô thôn nữ hái dâu. 

Lịch Sử Việt Nam ghi nhận Ỷ Lan Nguyên Phi là người phụ nữ duy nhất hai lần nhiếp chính. Trong đó lần thứ hai là khó khăn hơn cả khi vua Lý Nhân Tông còn nhỏ tuổi mà vận nước đang lâm nguy khi quân Tống tiến sang. 

Nhưng rồi, khả năng "tề gia trị quốc bình thiên hạ" của Nguyên Phi đã lèo lái con thuyền dân tộc cập bến an toàn, thoát khỏi nạn ngoại xâm và mở ra thời kỳ thái bình. Dĩ nhiên phải kể đến công trạng của Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành... nhưng để những bậc hùng anh ấy một lòng vì xã tắc, người phụ nữ nhiếp chính ấy cũng phải "đắc nhân tâm" như thế nào...

TRANH CÃI VỀ THẢM ÁN THƯỢNG DƯƠNG HOÀNG HẬU VÀ 72 CUNG NỮ

Vệt xám duy nhất trong phần đời trọn vẹn dành cho Lý Triều của Ỷ Lan Nguyên Phi, là cái chết của Thượng Dương Hoàng Hậu và 72 cung nữ. Tương truyền bà đã ép Hoàng hậu họ Dương cùng các cung nữ chôn sống theo vua mới băng hà. 

Đó là một cuộc cung đấu,hay là kết quả của cuộc tranh đoạt quyền lực chính trị hay là sự an bài bắt buộc hy sinh để tập trung cho trận đánh lớn của đất nước. Không ai có câu trả lời, nhưng hành trình từ một cô gái hái dâu ở một vùng quê có cơ duyên gặp được hoàng đế mà trở thành mẫu nghi thiên hạ trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, rõ ràng là một hành trình huyền thoại.

Theo ghi chép của Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép sơ lược việc này như sau:
"Quý Sửu (1073)... Giam Hoàng thái hậu họ Dương,... (bởi) Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?" Vua bèn sai đem giam Dương Thái hậu và 72 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông... (còn) Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An".

Tháng Giêng, năm 1072, Thánh Tông Hoàng đế lâm bệnh nặng rồi băng hà, thọ 50 tuổi, trị vì được 18 năm. Hoàng thái tử Lý Càn Đức kế nghiệp, sử gọi là Lý Nhân Tông. Nhân Tông kế nghiệp khi mới 7 tuổi, nên tôn đích mẫu là Dương Hoàng hậu làm Thượng Dương Hoàng thái hậu (上楊皇太后) và để cho Thái hậu cùng dự việc triều chính, có Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc.

Ỷ Lan Nguyên phi được tôn làm Hoàng thái phi (皇太妃), không có quyền xen vào việc triều chính. Nhưng rồi, dưới lợi thế là mẹ đẻ của Hoàng đế, cùng sự liên kết với Thái úy Lý Thường Kiệt (李常傑), bà đã khiến Nhân Tông ra chiếu chỉ phế truất Thượng Dương Thái hậu. Sau đó, Ỷ Lan đã ra lệnh giam Dương Thái hậu cùng 72 cung nhân khác vào lãnh cung. Đến khi phát tang chôn cất Thánh Tông Hoàng đế, Thái hậu cùng các cung nhân bị buộc phải chôn theo.

Tục truyền rằng bà rất hối hận về việc này nên đã làm nhiều chùa Phật để sám hối, rửa oan.


Thông tin chi tiết về Nguyên Phi: 

Ỷ Lan (chữ Hán: 倚蘭 7 tháng 4, 1044 – 24 tháng 8, 1117) hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái hậu (靈仁皇太后), là phi tần của Hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của Hoàng đế Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam.

Năm 1117, Thái hậu qua đời, thọ khoảng 73 tuổi, thụy hiệu là Linh Nhân Phù Thánh Hoàng thái hậu (靈仁扶聖皇太后). Sau đó, triều đình làm lễ hỏa táng, có ba người hầu gái được chôn theo.

Mùa thu, tháng 8, cùng năm ấy, chôn Linh Nhân Hoàng thái hậu ở Thọ lăng, thuộc phủ Thiên Đức (nay là đất huyện Tiên Sơn, thuộc Bắc Ninh).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét